PHẪU THUẬT NỐI LỆ QUẢN TRÊN DƯỚI
PHẪU THUẬT NỐI LỆ QUẢN TRÊN DƯỚI
I. ĐẠI CƯƠNG
Đứt lệ quản trên dưới do chấn cần phẫu thuật để phục hồi chức năng của lệ quản và giải phẫu của mi mắt. Chấn thương đứt lệ quản được xử lý sớm sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và tạo điều kiện tốt cho quá trình phục hồi của lệ quản,liền sẹo của vết thương mi
II. Chẩn đoán
1. Lâm sàng
- Rách mi trên/dưới đơn thuần.
- Thăm dò lệ quản, phát hiện đứt lệ quản trên hoặc dưới
2. Cận lâm sàng
III. CHỈ ĐỊNH
- Rách da mi trên, dưới kèm đứt lệ quản trên hoặc dưới. Ở mọi độ tuổi.
- Không có bệnh gì đặc biệt về nội khoa, tim phổi, thần kinh, tâm thần.
IV. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Rách mi mắt hốc mắt phức tạp, mất chất nhiều, mất hoặc nát hết vùng lệ quản mi góc
- Người bệnh có kèm đa chấn thương hoặc chấn thương toàn thân có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng cần được ưu tiên cho cấp cứu toàn thân trước khi xử lý đứt lệ quản trên dưới.
V. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
- Bác sĩ chuyên khoa Mắt.
2. Phương tiện
- Hiển vi phẫu thuật và bộ dụng cụ vi phẫu
- Dây Silicon đường kính 0,6mm, dài 15mm hoặc ống Mini Monoka
- Cây nong lỗ lệ, cây kim đuôi heo.
- Chỉ Vicryl (6.0, 7.0 hoặc 8.0), chỉ Nylon 6.0 hoặc Silk 7.0 khâu da.
- Thuốc tê Xylocain 2%.
3.Xét nghiệm cận lâm sàng
- Khám toàn thân: Tim, phổi, huyết áp, tai mũi họng.
- XN: Công thức máu, đường máu, máu chảy, máu đông, nhóm máu.
- Có điều kiện: Chụp XQuang tim phổi, siêu âm tim, điện tim đồ.
4. Người bệnh
- Khám mắt toàn diện: theo mẫu chung.
- Người bệnh được tư vấn trước phẫu thuật.
5. Hồ sơ bệnh án
- Theo quy định chung của Bộ Y tế.
VI. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
2. Kiểm tra người bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật
3.1. Vô cảm
- Gây tê tại chỗ hoặc gây mê
3.2. Kỹ thuật
- Gây tê vùng lệ quản – túi lệ và vết thương mi bằng Xylocain 2%.
- Kiểm tra tổn thương, dùng kẹp phẫu tích gắp hết dị vật trong vết thương nếu có và cắt lọc các tổ chức hoại tử. Các dị vật nhỏ, ở sâu có thể rửa sạch bằng nước muối sinh lý hoặc nước oxy già. Đánh giá mức độ tổn thương tại mi mắt,xác định tìm hai đầu đứt của lệ quản
- Nối lệ quản :
+ Ống Silicon vòng: Sử dụng kim đuôi heo đưa ống Silicon vòng từ lệ quản trên xuống lệ quản dưới qua chỗ đứt, từ lỗ lệ dưới vòng kim đuôi heo qua chỗ đứt và nối 2 đầu ống Silicon lại, vùi chỗ nối vào lệ quản.
+ Ống Mini Monoka: tìm đầu gần và đầu xa của lệ quản đứt. Đưa ống Mini Monoka từ điểm lệ qua đầu gần và đầu xa của lệ quản đứt, đẩy ống vào túi lệ. Gài đầu ống ở điểm lệ.
+ Nối lệ quản ở 3 vị trí thành trên –thành trước – thành sau của lệ quản bằng chỉ Vicryl 8.0. Khâu mũi rời – mũi chỉ đi từ thành ngoài của ống vào trong 90% chiều dày của lệ quản
- Khâu phục hồi vết thương mi:
+ Khâu lớp cơ vòng mi và tổ chức dưới da bằng chỉ tiêu. Sau cùng đóng lớp da bằng chỉ 6-0.
- Kết thúc phẫu thuật: tra dung dịch betadin 5% hoặc 10%, mỡ kháng
sinh, băng mắt.
- Cắt chỉ da mi sau 7- 10 ngày.
VII. THEO DÕI
- Ống silicone cố định có tốt không,ống silicone được rút sau 3-6 tháng
-Tình trạng mi: mi khép, hở hay biến dạng.
-Tình trạng nhiễm khuẩn vết thương.
-Tình trạng phục hồi giải phẫu mi tốt hay xấu.
-Điều trị nội khoa:
+Tại chỗ: tra kháng sinh tại chỗ + corticoid (Ví dụ: maxitrol 4l/ngày).
+Toàn thân: Kháng sinh uống toàn thân (Ví dụ: zinnat 0,25g x 2 viên/ngày/người lớn). Giảm phù, chống viêm (Ví dụ: amitase 10mg, 4 viên/ngày).
VIII. XỬ LÝ TAI BIẾN
- Nếu tuột ống thì tiến hành đặt lại ống
- Chảy máu: do cầm máu không tốt, có thể băng ép; trường hợp chảy máu nhiều, có thể mở lại vết phẫu thuật, cầm máu bằng đốt điện hoặc buộc chỉ nút mạch.
- Nhiễm khuẩn hoặc áp xe mi: Hay gặp trên vết thương bẩn còn sót nhiều dị vật, cần điều trị kháng sinh mạnh phối hợp. Tại vết thương có thể chích áp xe tạo đượng thoát mủ ra ngoài. Trường hợp rò mủ dai dẳng có thể do nguyên nhân còn sót lại dị vật: cần kiểm tra lại vết thương, tìm dịvật và làm sạch lại vết thương trước khi đóng mép khâu lại.
(Lượt đọc: 10761)
Tin tức liên quan
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều