ĐỐT HỌNG HẠT BẰNG NHIỆT
(Cập nhật: 27/11/2017)
ĐỐT HỌNG HẠT BẰNG NHIỆT
I. ĐẠI CƯƠNG
Đốt họng hạt là một tiểu thủ thuật nhằm làm tiêu các hạt viêm ở thành sau họng bằng nhiệt.
II. CHỈ ĐỊNH
Viêm họng hạt mạn tính kéo dài gây kích thích, ho kéo dài hoặc loạn cảm họng.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Viêm họng cấp tính.
- Viêm mũi xoang cấp tính.
- Viêm xoang sau cấp và mạn tính.
- Trẻ dưới 15 tuổi.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.
2. Phương tiện
- Thuốc: thuốc gây tê niêm mạc.
- Dụng cụ:
+ Bộ khám Tai Mũi Họng thông thường.
+ Bộ đốt họng bằng điện.
+ Hoặc bộ đốt lạnh chuyên dùng cho đốt họng.
3. Người bệnh
Được giải thích kỹ.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
- Tư thế thầy thuốc và người bệnh: như ngồi khám Tai Mũi Họng thông thường.
- Gây tê niêm mạc họng.
- Đốt họng bằng hạt nhiệt. Để núm điện ở nấc 6 - 8 vôn là đủ (đầu đốt hơi có màu đỏ).
- Đè lưỡi nhẹ nhàng và đốt từng hạt một dần dần cho hết. Khi thấy ở hạt đốt tạo một lớp giả mạc trắng do cháy lớp niêm mạc phủ trên hạt viêm là được.
Tránh đốt sâu quá xuống lớp cơ sẽ tạo sẹo dày, xơ, cứng làm nuốt vướng sau này. Tránh để que đốt nhiệt chạm vào môi, lưỡi, màn hầu làm bỏng niêm mạc.
- Sau khi đốt xong cần chấm họng bằng các thuốc SMC hoặc Betadin 5%.
VI. THEO DÕI VÀ CHĂM SÓC
- Cho các thuốc kháng sinh, giảm đau, chống phù nề, cho khí dung hoặc chấm SMC khi cần thiết.
- Súc họng bằng dung dịch kiềm hàng ngày.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
- Đốt quá sâu: gây bỏng tới lớp cơ cân của họng làm tạo sẹo dày xơ và gây ra nuốt vướng sau này.
- Gây bỏng: miệng, họng
- Nhiễm khuẩn: xuất hiện viêm họng cấp do bội nhiễm, có thể kèm theo phản ứng và viêm hạch phụ thuộc (hạch dưới hàm, sau góc hàm).
- Chảy máu: khi bong giả mạc (ít).
(Lượt đọc: 5284)
Tin tức liên quan
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều