Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tổ chức Sinh hoạt khoa học “Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong Hồi sức cấp cứu”
(Cập nhật: 13/11/2024)
Chiều ngày 12/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Sinh hoạt khoa học với chủ đề “Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong Hồi sức cấp cứu” thu hút sự tham gia đông đảo của các bác sĩ trên địa bàn.
Sinh hoạt khoa học “Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong Hồi sức cấp cứu”
Phát biểu khai mạc buổi sinh hoạt khoa học, Bs.CKII Đặng Thị Thúy - Phó Giám đốc Bệnh viện khẳng định: “Kỹ thuật lọc máu liên tục trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu cùng nhiều kỹ thuật tiên tiến khác là chìa khóa giúp cứu chữa thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Hội thảo khoa học “Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu” mang ý nghĩa thực tiễn, nhằm trang bị thêm nhiều kiến thức và kỹ năng xử trí người bệnh hữu ích cho đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế toàn tỉnh trong lĩnh vực Hồi sức tích cực.
Bs.CKII Đặng Thị Thúy - Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại chương trình
Tại hội thảo đã lắng nghe 4 bài giảng chuyên đề chất lượng đến từ các chuyên gia đầu ngành của tỉnh và trung ương trong lĩnh vực Hồi sức cấp cứu - Thận nhân tạo. Mở đầu là báo cáo khoa học “Vai trò của lọc máu hấp phụ trong SEPSIS và sốc nhiễm khuẩn” của Bs.CKII Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa HSTC – Thận nhân tạo, là bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm điều trị các bệnh nhân hồi sức, suy thận, chạy thận nhân tạo.
Bs.CKII Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa HSTC – Thận nhân tạo báo cáo tại sinh hoạt khoa học
Kỹ thuật lọc hấp phụ ra đời trên thế giới từ năm 2000, đến năm 2011 được đưa vào Việt Nam. Năm 2017, dưới sự chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên áp dung kỹ thuật này vào áp dụng điều trị cho bệnh nhân suy thận và các bệnh lý cần xử trí lọc máu. Sự kết hợp giữa thận nhân tạo và lọc máu hấp phụ điều trị duy trì đã đem lại nhiều ưu điểm cho bệnh nhân lọc máu lâu dài, giúp đào thải độc tố tốt hơn, hạn chế bớt những biến chứng phổ biến về tim mạch, tăng huyết áp kháng trị, rối loạn thần kinh ngoại biên, thiếu máu, ngứa da, cường cận giáp, suy dinh dưỡng, mất ngủ và giảm tỷ lệ tử vong. Kỹ thuật này đã được triển khai hiệu quả cho nhiều bệnh nhân suy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
ThS. Vương Minh Toàn, Trung tâm HSTC – Bệnh viện Bạch Mai trao đổi về “Cập nhật kĩ thuật thay huyết tương trong hồi sức cấp cứu”
Tiếp tục chương trình là 3 bài giảng cập nhật kiến thức mới của các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai. Cụ thể, ThS. Vương Minh Toàn, Trung tâm HSTC – Bệnh viện Bạch Mai với nội dung “Cập nhật kĩ thuật thay huyết tương trong hồi sức cấp cứu”; TS. Bùi Văn Cường, Trung tâm HSTC – Bệnh viện Bạch Mai với “Case lâm sàng ECCO2R tại bệnh viện Bạch Mai” được tổng kết lại từ chính những ca bệnh thực tế tại Trung tâm Hồi sức Tích cực – Bệnh viện Bạch Mai, cũng như các ca bệnh do chính TS Bùi Văn Cường đã từng xử trí cùng các đồng nghiệp tại các cơ sở y tế trong cả nước.
Cuối cùng là bài tham luận khoa học với chủ đề “Cập nhật kĩ thuật lọc máu đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể (ECCO2R)” của PGS. TS Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Qua nhiều ca lâm sàng điều trị tại ICU (Hồi sức tích cực) trên các nhóm bệnh nhân báo cáo, PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích từ những trải nghiệm thực tế kết hợp nghiên cứu khoa học, qua đó cho thấy kết quả khả quan, giảm biến chứng, hạn chế tỷ lệ tử vong trong những bệnh lý hồi sức áp dụng những kỹ thuật lọc máu.
PGS. TS Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bạch Mai với bài giảng về “Cập nhật kĩ thuật lọc máu đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể”.
Với 4 bài báo cáo chuyên sâu từ góc nhìn thực tiễn trong quá trình điều trị và kết hợp nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đã cho thấy những ứng dụng kỹ thuật hấp phụ máu trên nhiều nhóm bệnh nhân, như: Bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh lý hồi sức, bệnh gan mật, bệnh tụy, bệnh tự miễn, ngộ độc thuốc, hội chứng nhiễm trùng do viêm hệ thống... với những quả hấp phụ máu dùng một lần.
Ngoài những vấn đề khoa học, những phương pháp và ứng dụng kỹ thuật mới trong lọc máu, các chuyên gia cũng đã có những ý kiến từ góc độ xã hội, góc độ bảo hiểm y tế với mong muốn các bệnh nhân nặng được hỗ trợ tốt nhất để vượt qua gánh nặng bệnh tật.
Các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các học viên tham dự.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bs.CKII Đặng Thị Thúy - Phó giám đốc Bệnh viện, trân trọng cảm ơn Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã luôn luôn quan tâm hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Hy vọng rằng trong thời gian tới, cùng với sự đầu tư về trang thiết bị hiện đại, công tác chuyển giao, đào tạo chuyên môn vẫn sẽ được đẩy mạnh để đội ngũ bác sĩ bệnh viện được tiếp cận với các phác đồ điều trị mới nhất, rút ngắn thời gian nằm viện, góp phần cải thiện hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh./.
Minh Khánh, phòng TT&HCQT
(Lượt đọc: 111)
Tin tức liên quan
- Điều trị trĩ bằng Laser - Xóa đi nỗi lo phẫu thuật cắt trĩ
- Tổng kết khóa đào tạo “Hồi sức cấp cứu cơ bản” cho cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tham dự Hội nghị khoa học hình ảnh ổ bụng lần thứ I năm 2024
- Hội nghị thực hiện quy trình bổ nhiệm lại chức danh Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
- SuperPath - Đột phá mới với kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo ít xâm lấn
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiên phong triển khai phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ tuyến tiền liệt
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh giao lưu, học tập kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đào tạo hồi sức cấp cứu cơ bản tại Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần
- Tiêu sợi huyết “giờ vàng”, bệnh nhân nhồi máu não cấp hồi phục không di chứng
- Khen thưởng nhân viên nhà sạch trao trả hơn 40 triệu đồng cho người nhà bệnh nhân
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều