Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tăng đột biến trẻ nhập viện do viêm phổi
(Cập nhật: 6/6/2023)
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh gần đây ghi nhận số ca viêm phổi ở trẻ em gia tăng đột biến, với khoảng 100 ca mắc từ đầu tháng 4 đến nay. Đặc biệt có những trường hợp bệnh nhi nhập viện đã trong tình trạng nặng, mờ hai thùy phổi, suy hô hấp phải điều trị tích cực.
Bệnh viêm phổi ở trẻ thường mắc rải rác quanh năm. Tuy nhiên thời gian gần đây, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận số trẻ nhập viện điều trị vì viêm phổi tăng đột biến. Từ đầu tháng 4 đến nay đã có khoảng 100 ca mắc, trong đó viêm phổi thùy chiếm 1/3 số ca viêm phổi. Đặc biệt có nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện đã trong tình trạng nặng, mờ hai thùy phổi, suy hô hấp phải điều trị tích cực do sự chủ quan của gia đình.
Hình ảnh x-quang viêm phổi của các bệnh nhi đang nằm điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện ĐK tỉnh.
Như trường hợp của bệnh nhi N.H.T.P (5 tuổi) ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long, vào viện ngày thứ 5 trong tình trạng sốt cao liên tục, ho nhiều đờm. Nghĩ con chỉ viêm đường hô hấp trên bình thường nên gia đình tự điều trị tại nhà, cho trẻ uống kháng sinh không rõ loại. Tình trạng bệnh không đỡ, ho nặng tiếng và tiếp tục sốt cao 39 – 40 độ C nên đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Qua thăm khám, bệnh nhi sốt, nghe phổi nhiều ran, chụp X-quang có đám mờ thùy giữa phổi phải, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi thùy. Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhi sức khỏe ổn định, hết sốt, ho ít, phổi đỡ ran, ăn uống tốt.
Viêm phổi thùy là tình trạng tổn thương viêm một số thùy của một hoặc cả hai phổi. Nguyên nhân gây bệnh hàng đầu là do vi khuẩn, virus là nguyên nhân phổ biến thứ 2, ngoài ra kí sinh trùng cũng có thể gây viêm phổi thùy.
Bác sĩ CKII Trần Nhị Hà, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, số ca viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi thùy ở trẻ gia tăng nhanh chóng, chủ yếu là trẻ trên 5 tuổi. Nguyên nhân viêm phổi đợt này chủ yếu do vi khuẩn không điển hình xâm nhập và lây lan qua đường hô hấp. Thông thường bệnh viêm phổi xuất hiện rải rác quanh năm, tuy nhiên khoảng 1 tháng trở lại đây số ca viêm phổi tăng đột biến bất thường so với mọi năm. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn khi thấy các con có các triệu chứng sốt ho đợt này”.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thu Hà – Phó khoa Nhi thăm khám cho trẻ bị viêm phổi nặng.
Đa số viêm phổi không điển hình ở trẻ sẽ có triệu chứng ban đầu giống bị viêm đường hô hấp, như: sốt nhẹ, chảy mũi, ho khan... Vài ngày sau đó, trẻ bị viêm phổi có thể sốt cao liên tục từ 39 đến 40 độ C, mệt mỏi, ăn uống kém, ho nhiều, ho thành cơn, đờm đặc đi kèm khó thở, thở nhanh. Ngoài ra, những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ. Trong giai đoạn này, nếu không điều trị đúng cách kịp thời, bệnh có thể có những biến chứng nặng, như: áp xe phổi, xẹp phổi, tràn dịch, tràn mủ màng phổi hay màng tim, thậm chí có thể gây nhiễm trùng ngoài phổi: viêm não, nhiễm khuẩn huyết...
“Viêm phổi ở trẻ diễn biến khó lường, có những trường hợp triệu chứng nhẹ, 2 ngày đầu chỉ sốt nhẹ, chảy mũi, không ho, nhưng đến ngày thứ 3 đi khám chụp phổi đã mờ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tiếp nhận không ít trường hợp gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà, hoặc đi khám tại phòng khám tư không phát hiện viêm phổi nên chỉ cho dùng thuốc cảm sốt thông thường, đến khi vào viện bệnh đã trở nặng, phổi chụp x-quang mờ ở cả hai thùy phổi, suy hô hấp. Nhưng trường hợp nặng nề như vậy phải sử dụng phương pháp điều trị tích cực dài ngày”, bác sĩ Hà cho hay.
Từ đầu tháng 4 đến nay, khoa Nhi tiếp nhận hơn 100 trẻ nhập viện điều trị viêm phổi.
Quá trình điều trị viêm phổi ở trẻ chủ yếu sử dụng kháng sinh, hạ sốt, giảm ho, hỗ trợ hô hấp và điều trị nguyên nhân gây bệnh. Cùng với đó là tích cực nâng cao thể trạng cho trẻ, bù nước, điện giải, chế độ ăn uống dễ tiêu hóa, đủ chất và bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, C... để tăng sức đề kháng.
Bệnh viêm phổi ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe hệ hô hấp và thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ nhỏ. Để phòng ngừa bệnh, các bác sĩ khuyến cáo: Các bậc phụ huynh cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh; mang khẩu trang để hạn chế bụi bẩn và vi khuẩn khi đến nơi đông người. Quan trọng là cần tiêm phòng phòng bệnh đúng lịch và đầy đủ các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là lao, cúm, sởi, phế cầu…
Khi trẻ có các dấu hiệu bệnh đường hô hấp có xu hướng chuyển biến nặng: sốt cao trên 39 độ, cơn sốt không dứt, mệt mỏi, ăn uống kém, ho nhiều, khó thở… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tiến triển nặng hơn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm./.
Hà Trang, phòng TT&HCQT
(Lượt đọc: 1082)
Tin tức liên quan
- Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khám, phát thuốc miễn phí hưởng ứng chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” năm 2023
- Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khảo sát đánh giá công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
- Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đến thăm, tặng quà 1/6 cho bệnh nhi khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
- Cẩn trọng nguy cơ nhiễm trùng huyết do viêm mô tế bào vùng hàm mặt
- Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh ra mắt Mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Hội thảo khoa học trực tuyến “Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trong thực hành lâm sàng tại Bệnh viện: Nên hành động ngay lúc này”
- Phẫu thuật ghép mạch tự thân cứu bệnh nhân vết thương mất đoạn mạch vùng cổ thoát chết kỳ diệu
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia hội thảo giải pháp quản trị bệnh viện hiệu quả theo mô hình BrainBOS
- Chính thức thành lập và ra mắt Chi hội Tai Mũi Họng Quảng Ninh
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều