Nội soi lấy hạt hồng xiêm mắc kẹt trong phế quản cụ bà 90 tuổi
(Cập nhật: 16/7/2025)
Một cụ bà 90 tuổi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vô tình phát hiện dị vật hạt hồng xiêm nằm sâu trong phế quản khi đang điều trị bệnh lý khác tại viện. Nhờ kỹ thuật nội soi khéo léo và chính xác, bác sĩ khoa Hô hấp đã gắp thành công dị vật ra ngoài, giúp tránh nguy cơ biến chứng hô hấp nghiêm trọng ở người cao tuổi.
Bệnh nhân là N.T.L (90 tuổi) ở phường Cao Xanh, tỉnh Quảng Ninh, đang điều trị viêm mô bào cổ trái và gãy mấu chuyển xương đùi trái tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong quá trình thăm khám, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, các bác sĩ phát hiện hình ảnh tổn thương đông đặc nhu mô dạng xẹp phổi phân thùy dưới phổi phải, nghi ngờ do có dị vật nằm trong phế quản tương ứng vị trí xẹp phổi.
Hình ảnh nghi ngờ dị vật trong phế quản qua phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực.
Ngay sau hội chẩn, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp để tiến hành nội soi phế quản ống mềm kiếm tra, xử trí. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống nội soi, các bác sĩ kiểm tra phát hiện vị trí phế quản đáy phổi phải có dị vật hình bầu dục màu đen, trơn nhẵn. Kíp nội soi đã khéo léo tiếp cận và gắp thành công dị vật ra khỏi phế quản người bệnh sau khoảng 15 phút thực hiện. Sau gắp xác định dị vật là hạt hồng xiêm kích thước 2x1,2cm có bề mặt trơn nhẵn, có cạnh sắc. Nhờ kinh nghiệm và kỹ thuật nội soi thuần thục của đội ngũ bác sĩ đã giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Kíp bác sĩ khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp thực hiện nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân 90 tuổi.
Hình ảnh dị vật nằm trong phế quản bệnh nhân 90 tuổi.
Bs.CKI Đinh Tuấn Anh, Phó khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Cụ bà nhập viện điều trị bệnh lý khác và vô tình được chúng tôi phát hiện dị vật nằm sâu trong phế quản dù không có triệu chứng rõ ràng. Do dị vật nằm sâu, bám chắc, đã gây phù nề, đông đặc nhu mô phổi tại chỗ nên chúng tôi hội chẩn điều trị kháng sinh, chống viêm ổn định trước khi can thiệp nội soi. Quá trình lấy dị vật gặp khó khăn do hạt hồng xiêm trơn nhẵn, dễ trượt khỏi dụng cụ nội soi, đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ thuật thuần thục của kíp thực hiện. Hơn nữa, dị vật lại nằm sâu ở đáy phế quản phổi phải, việc gắp dị vật càng đòi hỏi sự khéo léo và cẩn trọng để tránh gây thêm tổn thương lòng phế quản”.
Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, dị vật có thể bám chắc và sâu hơn, gây ra nhiễm trùng đường hô hấp, biến chứng nặng hơn có thể gây áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, giãn phế quản do dị vật bỏ quên lâu ngày... khi đó sẽ rất khó khăn cho điều trị, cũng như ảnh hưởng lâu dài tới chức năng thở của bệnh nhân. “Việc gắp bỏ dị vật giúp điều trị nhiễm trùng đường hô hấp triệt để và ngăn ngừa các đợt nhiễm trùng tái phát”, bác sĩ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Dị vật nhỏ, trơn nhẵn đòi hỏi bác sĩ phải khéo léo để gặp dị vật ra ngoài nhanh chóng.
Dị vật là hạt hồng xiêm nhỏ, có cạnh sắc.
Thời gian qua, khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp đã tiếp nhận và xử trí nhiều ca hóc, sặc dị vật đường thở do các tác nhân rất đa dạng: mảnh xương, viên thuốc, các loại hạt hay các vật dụng nhỏ khác… Nhiều trường hợp đến viện muộn đã gặp biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới chức năng hô hấp.
Dị vật đường thở là một trong những tai nạn thường gặp không chỉ đối với trẻ nhỏ mà còn cả người lớn tuổi, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời. Để phòng tránh các trường hợp tương tự, bác sĩ khuyến cáo, mọi người cần chú ý cẩn thận khi ăn uống và làm việc với các vật dụng nhỏ dễ nuốt. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức về việc không tự ý điều trị tại nhà khi không may sặc dị vật vào đường thở và nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh thế hệ mới, hệ thống máy nội soi phế quản hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ tận tụy, vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh sẽ giúp bệnh nhân không may bị dị vật đường thở được phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác, xử trí kịp thời và an toàn, qua đó tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người dân khi được điều trị tại đây./.
Hà Trang, phòng TT&HCQT
(Lượt đọc: 75)
Tin tức liên quan
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tổ chức khám lưu động tại xã Hải Sơn nhân tháng “Đền ơn đáp nghĩa”
- HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2025
- Phẫu thuật thành công khối ung thư lớn xâm lấn phức tạp vùng mặt cho cụ bà 96 tuổi
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện số 2 Đại học Y Quảng Tây tăng cường hợp tác chuyên sâu về hiến ghép tạng
- Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiêu sợi huyết “giờ vàng”, hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân nhồi máu não cấp
- Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng cho Đại hội Đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức Hội nghị khoa học Dược lâm sàng tỉnh Quảng Ninh quý II năm 2025
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Cơ sở Bảo trợ ký kết quy chế phối hợp trong chăm sóc sức khỏe trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo quốc tế “Tiến bộ và Thách thức trong Phẫu thuật Thần kinh”
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều