Giảm thiểu rác thải nhựa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
(Cập nhật: 17/12/2020)
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, mỗi ngày có khoảng trên 1.000 bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú, bên cạnh đó có một lượng lớn bao gồm: Cán bộ, nhân viên y tế, học sinh, sinh viên thực tập, học việc, khách đến làm việc, khách thăm, người nhà người bệnh... Chính vì thế, việc dùng các sản phẩm nhựa để tiện cho việc chăm sóc người bệnh là khá phổ biến.
Thực hiện Chỉ thị 08/CT-BYT của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế và triển khai của ngành, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp và thực hiện đồng bộ đối với công tác khám, chữa bệnh, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền đến người bệnh, người nhà người bệnh và cán bộ, nhân viên y tế cùng thực hiện. Các khoa của bệnh viện cũng đã thực hiện việc ký cam kết giảm chất thải nhựa với giám đốc bệnh viện. Theo đó, cam kết được triển khai thực hiện với các nội dung: Tập huấn, hướng dẫn, truyền thông cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế, đơn vị cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế thực hiện giảm chất thải nhựa trong đơn vị; tổ chức ký cam kết tại đơn vị về giảm thiểu chất thải nhựa; nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị; lồng ghép nội dung giảm thiểu chất thải nhựa vào thực hiện tiêu chí đánh giá chất lượng khoa, phòng, trung tâm.
Cụ thể, bệnh viện tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống, đựng thuốc và cấp phát trực tiếp cho bệnh nhân bằng túi ni lông tái sử dụng nhiều lần. Cấp phát thuốc cho bệnh nhân bằng túi giấy thay vì túi ni lông dùng 1 lần. Sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình làm việc. Thay thế các loại cốc giấy tại khoa, phòng bằng cốc thủy tinh hoặc cốc nhựa có thể tái sử dụng. Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng túi rác tại các khoa/phòng trong bệnh viện; đẩy mạnh việc thu gom, phân loại các chất thải nhựa có thể tái chế, tái sử dụng phát sinh ngay tại khoa, phòng.
Túi đựng thuốc nilon, chai nhựa được Bệnh viện ĐK tỉnh thay bằng túi giấy, chai thủy tinh.
Đối với khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và khoa Dược, quán triệt hực hiện công tác làm sạch, khử nhiễm các chất thải nhựa (Bơm tiêm, chai truyền dịch không dính máu, dịch tiết cơ thể…) đã được phân loại dùng để tái chế theo đúng quy định, đảm bảo an toàn sau đó giao cho đơn vị có hợp đồng thu mua chất thải tái chế với bệnh viện; quản lý chất thải theo đúng quy định; tích cực đề xuất phương án giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở việc thực hiện thu gom, phân loại chất thải.
Phân loại rác thải nhựa.
Phỏng vấn bệnh nhân được biết: “Tôi nằm viện nhiều lần, mỗi lần uống thuốc các điều dưỡng lại phát đống thuốc đựng trong túi nilong, vì nhỏ nên khi uống hết thuốc tôi thường bỏ đi luôn. Sau khi có phong trào giảm thiểu rác thải nhựa và được các cán bộ y tế tuyên truyền phổ biến, thấy bệnh viện có nhiều thay đổi nhiều. Điều dưỡng đưa thuốc uống tại giường. Giờ đi mua thuốc bệnh viện được đựng bằng túi giấy. Đây là việc nên làm, rất tốt cho môi trường”.
Tại nhà ăn của bệnh viện, hạn chế sử dụng chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế; tư vấn, khuyến khích người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế ăn tại nhà ăn bệnh viện, hạn chế việc mua về.
Dán thông báo tuyên truyền tại các khoa/phòng trong bệnh viện.
Không chỉ thay túi nilon bằng túi giấy, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh những chai nước suối đóng chai, ống hút nhựa, ly nhựa, hộp xốp... cũng giảm thiểu đáng kể. Ban giám đốc bệnh viện yêu cầu lãnh đạo các khoa, phòng hạn chế và tiến tới không sử dụng nước đóng chai, các loại ống hút nhựa trong tất cả cuộc họp, hội thảo, sự kiện tổ chức tại bệnh viện. Việc cấp phát thuốc nội trú cũng không dùng túi nilon mà phát trực tiếp cho bệnh nhân sử dụng ngay hoặc dùng hộp nhựa, sau khi dùng xong bệnh nhân trả lại cho bệnh viện. Những chiếc túi nilon lớn phủ thùng rác được ban giám đốc bệnh viện triệt để không sử dụng, rác tái chế được phân loại ngay từ đầu nguồn và đựng vào thùng nhựa cứng. Không chỉ quán triệt cho cán bộ, nhân viên bệnh viện, để giúp người bệnh hạn chế sử dụng rác thải nhựa, bệnh viện đã đầu tư hệ thống máy lọc nước, phục vụ nước uống tinh khiết, người nhà chỉ cần mang dụng cụ đựng lấy nước sử dụng.
Việc giảm thiểu triệt để cần có một lộ trình nhất định, trong đó quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để thay đổi ý thức, thói quen từ chính các y, bác sĩ cho đến người bệnh và người nhà bệnh nhân. Cũng như phải thay đổi từ nguồn cung ứng thuốc, vì các loại thuốc nhập về, bệnh viện không thể quyết định được dùng vật liệu nào. Cần có sự chung tay vào cuộc từ nhiều ngành, từ trung ương để giảm thiểu chất thải nhựa không chỉ riêng trong ngành y tế./.
Phòng TT&HCQT
(Lượt đọc: 2534)
Tin tức liên quan
- Tổ chức khám sàng lọc cho người cao tuổi tại cộng đồng năm 2020 tại BVĐKT Quảng Ninh
- Tập huấn cập nhật Thông tư số 18/2020/TT-BYT Quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện
- Hội thảo khoa học: Sử dụng dấu ấn sinh học trong hỗ trợ, chẩn đoán, theo dõi và điều trị các bệnh lý về tim mạch
- Cứu sống bệnh nhân vỡ phình động mạch chủ bụng nguy kịch
- Đảm bảo an toàn, trật tự tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
- Lần đầu tiên phẫu thuật nội soi 3D điều trị bệnh co thắt tâm vị tại Quảng Ninh
- Cứu sống bệnh nhân vỡ phình động mạch não phức tạp
- Cảnh báo tình trạng xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột ngày càng gia tăng do bã thức ăn
- Hội thảo vai trò của Oxaliplatin trong hóa trị ung thư đại trực tràng
- TRAO GIẤY CHỨNG NHẬN HOÀN THÀNH CÁCH LY PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TẠI KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC – THẬN NHÂN TẠO, BỆNH VIỆN ĐK TỈNH QUẢNG NINH
- Tiêu điểm
- Tin đọc nhiều