Banner
Banner dưới menu
Banner Dưới menu 2
Banner đại hội đảng điện thoại

Phẫu thuật nội soi tạo hình lại khúc nối bể thận – niệu quản cho bệnh nhân bị tái hẹp sau mổ mở 5 năm

(Cập nhật: 23/6/2024)

Vừa qua, các bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thực hiện ca phẫu thuật nội soi phức tạp, tạo hình lại khúc nối bể thận – niệu quản bị tái hẹp cho một nam bệnh nhân trẻ từng mổ mở điều trị bệnh lý này cách đây 5 năm, với kết quả hồi phục tốt, xuất viện sau 1 tuần.

Bệnh nhân là H.T.P (26 tuổi) ở huyện Ba Chẽ, bị hẹp khúc nối bể thận – niệu quản bẩm sinh, đã được mổ mở điều trị cách đây 5 năm. Gần đây, anh P. thấy đau quặn vùng thắt lưng, tức bụng nhi nên đi khám lại. Kết quả chụp cắt lớp vi tính thấy thận trái to giãn độ 4, đài bể thận, niệu quản giãn đến đoạn chít hẹp, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tái hẹp khúc nối bể thận niệu quản trái và quyết định phẫu thuật tạo hình lại bằng hệ thống nội soi 3D.


Hình ảnh chụp cắt lớp đoạn hẹp khúc nối bể thận niệu quản bệnh nhân P.

Kíp phẫu thuật khoa Ngoại phối hợp với khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Do bệnh nhân từng mổ mở đường sau phúc mạc, các tổ chức bị dính liền mất đi giải phẫu thông thường, nên kíp phẫu thuật thực hiện nội soi qua đường ổ bụng. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống nội soi 3D hiện đại, kíp mổ tiến hành hạ toàn bộ đại tràng, đuôi tụy, lách để bộc lộ đoạn niệu quản bị hẹp, thực hiện cắt bỏ đoạn hẹp và khâu tạo hình lại khúc nối bể thận niệu quản trái theo phương pháp Anderson - Hynes. Ca phẫu thuật thực hiện thành công sau khoảng 2 tiếng. Sau mổ, bệnh nhân không còn bị đau tức phần bụng và thắt lưng, sức khỏe phục hồi tốt. Đến nay, bệnh nhân đã được xuất viện, dự kiến sonde JJ định hình đoạn hẹp sẽ được rút sau khoảng 12 tuần.


Đoạn hẹp khúc nối bể thận – niệu quản được mổ nội soi tạo hình lại

Bác sĩ CKI Trần Trung Hội, khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trường hợp của bệnh nhân P. chẩn đoán bị tái hẹp khúc nối bể thận niệu quản sau mổ mở do phần niệu quản cũ xơ hẹp, làm tắc gần như hoàn toàn nòng niệu quản, gây ứ nước thận trái và giảm chức năng thận. Khó khăn ở trường hợp này là bệnh nhân từng mổ mở đường sau phúc mạc gây dính và mất đi các mốc giải phẫu quan trọng. Vì vậy khi mổ lại bằng nội soi, chúng tôi buộc phải đi bằng đường ổ bụng, khi đó việc bộc lộ, bóc tách sẽ khó khăn hơn do phải khéo léo hạ toàn bộ đại tràng trái, lách và đuôi tụy để tạo phẫu trường đủ rộng thực hiện các thao tác khâu nối, trong khi đây là khu vực có nhiều dây thần kinh, mạch máu quan trọng, chỉ cần thao tác không chính xác sẽ gây chảy máu khó cầm, hậu quả khôn lường.

Với việc sử dụng hệ thống nội soi 3D tiên tiến, chúng tôi thao tác và cảm nhận phẫu trường sống động như không gian thật nên giúp thực hiện các thao tác bóc tách, cắt nối, khâu tạo hình lại khúc nối bể thận niệu quả dễ dàng hơn, đảm bảo tối đa an toàn và hiệu quả cho phẫu thuật. Nhờ vậy, bệnh nhân giảm đau đớn và thời gian phục hồi nhanh, nằm viện ngắn. Kíp mổ thực hiện tạo hình lại bể thận niệu quản bằng kỹ thuật Anderson - Hynes. Đây hiện là phương pháp tốt nhất với tỷ lệ thành công trên 90%, hạn chế tối đa nguy cơ tái phát trở lại”.


Bệnh nhân phấn khởi khi được xuất viện, hình ảnh sẹo mổ cũ và vết mổ nội soi cho bệnh nhân P.

Để ca phẫu thuật nội soi tạo hình lại khúc nối bể thận niệu quản mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh đòi hỏi phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm trong giải phẫu hệ tiết niệu, tay nghề chuyên môn vững vàng thì mới có thể thực hiện các động tác khó, phức tạp yêu cầu độ chính xác cao. Cùng với đó là sự hỗ trợ của hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại cho hiệu quả điều trị vượt trội, giúp bệnh nhân trên địa bàn được chẩn đoán điều trị bằng các trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn thế giới mà không mất thêm bất kỳ chi phí nào.

Bệnh lý hẹp khúc nối bể thận - niệu quản nguyên nhân phần lớn do dị tật bẩm sinh, có thể được phát hiện ngay trong giai đoạn bào thai nhờ siêu âm, vì vậy trẻ nhỏ khi phát hiện bệnh cần được điều trị sớm để tránh biến chứng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thận có thể bị suy giảm chức năng, thậm chí bị hủy hoại kèm nhiều biến chứng khác. Bệnh này hoàn toàn có thể chẩn đoán rất sớm và điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi 3D mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, các bác sĩ ngoại khoa khuyến cáo, nếu có các dấu hiệu đau vùng hông lưng một bên, đau quặn từng đợt, nhiễm trùng tiết niệu tái phát nhiều đợt mà chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng người dân cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời./.

Hà Trang, phòng TT&HCQT

(Lượt đọc: 448)

Tin tức liên quan

  • Quảng cáo
    • Banner Dưới menu 2
  • Trang thông tin SYT
  • Thu hút nhân lực chất lượng cao
  • Dat lich truc tuyen
  • Học tập làm theo lời bác
  • Chương trình mục tiêu quốc gia
  • Thủ tục hành chính SYT
  • Lịch công tác
  • Lịch công tác 2
  • Câu lạc bộ Tim mạch
  • Câu lạc bộ Tiểu đường
  • Câu lạc bộ Hen - COPD
  • Liên kết web
    • Báo Quảng Ninh
    • Sở Y tế Quảng Ninh
    • Báo cáo hoạt động khám chữa bệnh
    • Bệnh viện Bãi Cháy
    • Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh
    • CDC
    • Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
    • Bệnh viện Cẩm phả
    • Bệnh viện Đa khoa khuc vực Cẩm phả
    • Bệnh viện Lao và phổi
    • Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí
    • Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh
    • Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ
    • Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Hải Hà
    • Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên
    • Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
    • Trung tâm Y tế Thành phố Cẩm Phả
    • Trung tâm Y tế Thành phố Móng Cái
    • Trung tâm Y tế Thành phố Uông Bí
    • Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều